Bệnh “Ngộ nhận” là gì ? làm sao lại có bệnh này và cách chữa bệnh này ?


Trên đời hoạn lộ có rất nhiều cảnh đời và con đường mà mỗi người chọn để đi, để sống “ĐƯỜNG SỐNG” và cái nghiệp nó dẫn dụ đi theo “NGHIỆP DẪN” (hơi khó hiểu ở vế sau, nhưng mà có lẽ đúng vì chúng ta luôn có 2 vế để mà cân bằng).

Sống trên đời có 2 thứ chúng ta xét tới đó là:

Loại người thứ nhất: sẽ nói nhiều trước khi làm hoặc “chém gió” trước khi nghĩ và làm thực.

Loại người thứ hai: sẽ làm hùng hục trước khi nói hoặc “Trảm” trước khi tấu (ít có khả năng mắc bệnh, không bàn đến trong bài này).

– Tôi xin vẽ cách hiểu logic của những thứ nói trên như sau:

image

– Xét theo góc độ bệnh học: chúng ta có thể đổ lỗi về căn nguyên bệnh này là do Virus “Ngộ nhận”

Virus bệnh này ấp ủ thường trực trong mỗi suy nghĩ con người chúng ta, với những ai tỉnh táo, sáng suốt, mạnh khỏe tinh thần thì nó khống có điều kiện chuyển thành bệnh, với bất kỳ ai mụ mẫm, háo danh, mờ mắt chỉ cần có điều kiện là mắc bệnh ngay.

Các Cán bộ viên chức nào cũng mong muốn có bảng thành tích cá nhân vàng chóe để khẳng định khả năng sáng tạo, sự thông minh nhạy bén, khiếu diễn thuyết, tài viết lách, cuốn từ điển sống của tri thức, trình độ thuyết phục dẻo đến kiến trong lỗ cũng phải bò ra…

Muốn kết luận được tài năng của bản thân lại cần đến những người xung quanh nhận xét về mình, mà thái độ của thiên hạ vô cùng đa dạng:

  1. Người dĩ hòa vi quý lúc nào chẳng gật gù, nắm tay lắc lắc,
  2. Người giữ xã giao mỉm cười, nhìn xa ngẫm nghĩ,
  3. Người không muốn biểu lộ thái độ thì quay đi chăm chú làm việc khác,
  4. Chỉ một thiểu số người vì lý do sâu xa nào đó sẽ tán thưởng nồng nhiệt khen ngợi hết lời, tấm tắc lắc lư thế là cơn bệnh ngộ nhận bắt đầu phát tác tự nhiên hơn cả ruồi.

Những người ngộ nhận thấy tự tin hơn, khi gặp gỡ đồng nghiệp và cấp trên rất đon đả, chững chạc, trong đầu họ lăm lăm một số ý tưởng, chủ đề thu phát được qua các tần số tán gẫu công cộng, chỉ đợi dịp là thao thao bất tuyệt.

Hệ quả: vậy là đã có nhiều sếp cứ ngỡ rất tình cờ tìm ra nhân tài bèn tin cậy giao việc cho mặc sức thể hiện và ung dung đợi kết quả như ý trong khi những tài năng này lo toát mồ hôi hột chạy vạy nhờ vả anh em, bạn bè giúp đỡ làm hộ, viết thuê để cốt sao thành quả thật hoành tráng tương xứng với năng lực mà bản thân và cấp trên cùng ngộ nhận.

Tác dụng phụ:

Không ít trường hợp đã biết rõ mình nhưng cố tình “hình tượng hóa bản thân – nặn tượng”  cao lồng lộng bằng cách lo lót bằng cấp này nọ, thuê làm luận văn để đại từ nhân xưng có thêm mấy tiền tố đáng nể hơn. Một số người khác còn bào chế những tuyệt chiêu bằng cách quảng cáo, khuếch trương những quan hệ ảo. Họ thường đưa ra vài đại từ nhân xưng thân mật hoặc danh từ riêng kiểu:  cái tay Nguyễn Văn X này, ông anh Minh Z ấy, sếp Trần Y chứ gì… với giọng điệu người nhà, thậm chí còn lấy điện thoại di động ra bấm số gọi ngay, sau một lúc lại thanh minh tiếc rẻ anh ấy, sếp ấy chắc đang bận họp nên tắt máy (thực tế đọc được mấy cái tên này trên báo chí hoặc nghe ai đó kể chuyện có quen biết, thế là coi như bạn người cũng là bạn mình, “thế giới đại đồng “).

Qua kịch bản biểu diễn của bệnh nhân ngộ nhận ấy mà khối người lác mắt, cung kính nhờ cậy việc này việc nọ…

Xét trên khía cạnh nhân văn, người nào ngộ nhận về bản thân thì bất lợi trên đường sự nghiệp. Lý do là mình tự kỷ ám thị đến mức theo chủ trương duy ngã độc tôn, coi thiên hạ yếu kém, mãi đến lúc sực tỉnh mới ngấm sự chán ngán, suy sụp. Hơn nữa, để người khác ngộ nhận về mình thì hậu quả xấu cho cả hai bên: người được ngộ nhận càng đắc ý uống thuốc mê quá liều khó tỉnh, người ngộ nhận thì thất vọng bởi không chọn đúng mặt gửi vàng, lại còn hoang mang vì trình độ bản thân không phân biệt được thật giả, hay dở. Có những người chưa từng hiểu lầm về bản chất và năng lực của mình nhưng do vài lần được khen thành tích nhỏ như ong mật thành con chim công, thế là vênh váo tự hào coi mình bắt đầu gia nhập thế hệ thiên tài mới. Tất nhiên không phải ai cũng cả tin với lời khen như vậy nhưng do được nhiều lời khen lấy lòng quá đâm ra sung sướng, tự thấy mỹ mãn với mình.

Nguyên nhân bệnh thêm nặng:

Có thể kết luận rằng: khen ngợi không trung thực chính là nguyên nhân khiên cho bệnh ngộ nhận phát tác. Tăng bốc phỉnh nịnh là liều thuốc độc cực mạnh giết chết nhận thức chân chính. Ngỡ rằng đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh sẽ có thuốc chữa trị, nhưng giời ạ, khó lắm! Làm gì có loại cân đo vi chính xác để xác định lời khen nào thật, giả? Có ai thừa nhận rằng những lời mình vừa nói là tâng bốc? Cho nên danh ngôn mới chua rằng: lời nói như tên, đã cắm vào tai ai, không tài nào rút ra được. Tất nhiên, cần có ngoại lệ cho những câu nói khiến cho người ta ngộ nhận, đó là những mũi tên vô hình tẩm mật ong rừng! Ngọt ngào lắm ai ơi!

 

Phương pháp chữa:

Rất ít thuốc để chữa, thuốc rất đắng tùy thuộc cấp độ bệnh nhẹ hay nặng và quan trọng “Tự vấn lương tâm và tự giác ngộ”:

  • Có thấy sai không ?
  • Có thấy cần quay đầu lại để làm lại mà không hối tiếc không ?
  • Có tự vấn lương tâm chua sót trước khi trở thành người có “Đạo đức giả” không ?

 

Thuốc chữa chỉ có tác dụng hiệu quả:

  • Khi thấy cảnh đời con người đau khổ, chỉ có cảm thông sâu sắc, chia sẻ với họ thật lòng, các bạn à: “sống trong đời sống cần có tấm lòng cao thượng  biết hy sình vì gia đình, người thân, bạn bè” mới không bao giờ còn cái bệnh Quỉ quái đó.
  • Trong lời ăn tiếng nói phải tử tế, trân thành và biết trân trọng mọi người

(từ cái nhỏ nhất đừng có văng tục chửi thề, ngay cả từ viết tắt chửi tục cũng vậy – vì cái tâm của bạn nó nghe được, nó cũng sẽ nhớ được, nó thành quen ở mồm “Khẩu thiệt” thì nó cũng có thể dẫn đến ở ý thức, nhận thức và hành động của bạn “nó là Vô thức ý” rồi dẫn tới hành sử thực tế của bạn. Đậy gọi là “NGHIỆP DẪN Ý” nhiều tai họa, tính mạng hiểm nguy chỉ bởi lời ăn tiếng nói, câu viết như vậy đó).

  • Đừng lười suy nghĩ, đừng lười lao động chân tay hay trí óc, hãy vận động để sáng tạo hãy học hỏi thay vì ngồi chỗ “Chém gió”, hãy làm việc cho dù “Chó cứ sủa đoàn người cứ đi”.
  • Không phải vì bạn đóng góp cho ai, cho xã hội nào, cho công ty nào được nhiều giá trị là vinh quang đâu, đừng lầm tưởng nay có thể là như thế này mai thế khác nhưng Lao động là vinh quang.
  • Hạn chế “Chém gió” khi có thể là tiết kiệm thời gian dành cho Lao động hoặc chỉ đúng với mục đích tôn cao giá trị của “Lao động là vinh quang”.

 

Chúc Cô gì, chú bác, anh chị em và tất thẩy Trời – người – các loài vật không mắc bệnh “NGỘ NHẬN” !

 

Trích báo:  Hà nội ngàn năm văn hiến.

P.S: Bài này không có trong báo sức khỏe & đời sống.

Vai trò của Tướng Nguyễn Xí với việc hình thành các làng xã ở Nghệ An trong thế kỷ XV


Hoàng Anh Tài

Tam quan đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí

(xã Nghi Hợp, Nghi Lộc, Nghệ An). Ảnh: Thảo Nguyên

Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí (1379-1465) sinh quán tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay thuộc xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Trong cuộc đời 69 năm của Cương quốc công thì đã có 60 năm Ngài gắn bó với sự nghiệp triều Lê sơ, từ khi còn là một cậu thiếu niên đến lúc trở thành một công thần, rường cột của triều đình.

Nói về Nguyễn Xí, vua Lê Thánh Tông từng có nhận xét: “Nguyễn Xí: Khí chất cứng cỏi to tát, tính vốn trầm hùng, giúp Cao Hoàng khi mở nước trăm trận gian nan. Giúp Tiên khảo lúc thủ thành một lòng phò tá. Trong ngoài hết chức phận tướng văn, tướng võ, trước sau giữ trọn tiết làm tôi, làm con. Giữ mình có đạo hồn nhiên như viên ngọc không lộ sáng. Nghiêm sắc mặt ở triều, lẫm liệt như thanh kiếm mới tuốt. Các quân đều tưởng mộ phong thái, bốn biển đều trông thấy uy danh. Tiên đế mất trong khi đi tuần phương Nam, người ân cần nhận chiếu ký thác. Ta lên ngôi như mặt trời mới mọc, người bày tỏ hết mực mưu mô giúp rập. Tôn miếu xã tắc được yên vững, trung châu man di đều thuần phục…”(1)

Cùng với những công lao to lớn trên bình diện quốc gia đã được lịch sử dân tộc ghi nhận, Nguyễn Xí còn có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nên nhiều làng xã vùng đồng bằng Bắc bộ và trên địa bàn tỉnh Nghệ An ở thế kỷ thứ XV. Phạm vi bài báo này xin đề cập tới: Vai trò của Nguyễn Xí với việc hình thành làng xã ở Nghệ An.

Ngay sau ngày đất nước đại định, triều Lê sơ đã thực thi việc bình xét công trạng đi liền với ban cấp lộc điền cho hoàng thân, quốc thích và các khai quốc công thần – những người đã có nhiều công lao giúp Lê Lợi đánh thắng giặc Minh, giải phóng đất nước. Việc làm này của Lê Lợi và vương triều Lê sơ còn nhằm gắn chặt trách nhiệm của quan lại đối với triều đình phong kiến trung ương tập quyền, đang là xu thế tiến bộ bấy giờ.

Cũng như nhiều vị khai quốc công thần thời Lê sơ, Nguyễn Xí đã được triều đình ban thưởng hàng nghìn mẫu ruộng lộc điền, mà phần lớn là thế nghiệp điền – loại ruộng đất được quyền sử dụng vĩnh viễn.

Tuy gia tộc Nguyễn Đình không còn lưu giữ được các sắc chỉ của triều Lê ban cấp ruộng đất cho Nguyễn Xí, nhưng nội dung Di huấn của Nguyễn Xí hiện còn lưu tại nhà thờ, gia phả dòng họ Nguyễn Đình ở Nghi Hợp và một số thư tịch cũ đã cho ta biết cụ thể số ruộng lộc điền của Nguyễn Xí có cả thảy 5.135 mẫu ở rải rác từ Hải Dương đến Nghệ An, Hà Tĩnh, bao gồm 6 trấn, 25 huyện, 93 xã(2). Trong đó, tại trấn Nghệ An (bao gồm địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay), lộc điền của Nguyễn Xí có cả thảy 1009,5 mẫu, được phân bổ trên địa bàn của các phủ: Diễn Châu, Anh Đô, Đức Quang và 5 huyện: Chân Lộc, Yên Thành, Nam Đường, Thanh Chương và Thiên Lộc.

Cùng với việc xác nhận số đất đai được ban cấp, Di huấn của Nguyễn Xí cũng nhắc nhở trách nhiệm của con cháu trong việc ghi nhớ công lao của tiền nhân: “Vua ra sắc lệnh ban cho Ta được hưởng ruộng đất lộc điền và Ta mới tương tậu thêm một số ruộng đất ở các xứ, phủ, huyện xã đều đặt làm sản nghiệp vĩnh viễn. Nay chúng mày được hưởng sự giàu sang, nhà đẹp, ruộng đất, nên nhớ lại khi Ta khó nhọc phát bụi, chặt gai. Thấy cảnh trí, ca nhi, vũ nữ, nên nghĩ đến lúc Ta chịu khổ gối gươm, nằm đất(3)

Ngoài hàng ngàn mẫu “lộc điền” được ban cấp, số đất ruộng do Nguyễn Xí tương tậu (mua) và tổ chức khai khẩn thêm còn có trên 765 mẫu, tập trung chủ yếu vùng xung quanh làng Thượng Xá quê hương Ngài.

Do bận việc quân cơ, triều chính, Nguyễn Xí không tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý, khai thác ruộng đất của mình mà giao chủ yếu cho con cháu quản lý và thu hoa lợi. Thông thường mức địa tô mà người cày ruộng lộc điền phải nộp cho Nguyễn Xí trong khoảng 1/3 sản lượng, sau khi đã trừ đi các khoản chi phí cần thiết. Mức thu này bằng, hoặc thấp hơn qui định của nhà nước; những năm mất mùa thì được miễn giảm tùy theo tình hình thực tế của mùa vụ.

Tuy nhiên, theo thời gian và sự biến động của lịch sử, số ruộng đất của Nguyễn Xí cũng bị thất thoát dần. Trong đó, một phần bị tư nhân hóa, một phần bị cường hào các địa phương chiếm đoạt; thậm chí do một số con cháu quá đói, buộc phải bán “ruộng họ”. Do đó, trong thực tế mức hoa lợi mà Nguyễn Xí cũng như con cháu thu được chỉ ở mức nhất định. Nhưng, việc khai thác, sử dụng ruộng đất của Nguyễn Xí đã góp phần đáng kể vào công cuộc mở mang kinh tế và quá trình hình thành nên nhiều làng xã ở nước ta trong thế kỷ thứ XV, mà chỉ tính riêng trên địa bàn Nghệ An thì đã có hàng chục làng xã thuộc 4 phủ, 5 huyện. Đây là một trong những đóng góp quan trọng nữa của Cương quốc công Nguyễn Xí và dòng họ Nguyễn Đình rất cần được ghi nhận.

Theo Gia phả họ Nguyễn Đình ở xã Nghi Hợp (huyện Nghi Lộc) và họ Chế Đình ở xã Nghi Hương (thị xã Cửa Lò) cho biết: Nguyễn Xí đã giao cho Nguyễn Trọng Đạt (người con thứ 10) cai quản và tổ chức lực lượng hàng binh Chàm, gồm các tướng Chế Đình Đá, Chế Đình Lân, Chế Đình Hiệp tiến hành khai khẩn đất đai tại vùng bãi ngang phía Đông Nam huyện Chân Lộc. Kết quả công cuộc khai khẩn ruộng đất đã hình thành nên các làng Kim Ổ, Thu Lũng (nay thuộc địa bàn xã Nghi Hương và xã Nghi Thu, (thị xã Cửa Lò). Số hàng binh này được Nguyễn Xí đối xử tử tế như con cháu và cho đổi từ họ Chế thành Chế Đình. Chế Lạc, Chế Du là những người Chăm được Nguyễn Xí cho đứng đầu trông coi những làng xã mới khai khẩn. Quá trình lao động và chung sống lâu đời, những nhóm người Chăm đó đã hoàn toàn hòa hợp với nông dân ngưòi Việt(5).Ngoài ra, Nguyễn Xí còn sử dụng bọn hàng binh nhà Minh, như Nguyễn Sĩ, Nguyễn Tiếp cùng dân địa phương khai hoang lập ra làng Phú Ích (nay thuộc xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc). Di huấn của Nguyễn Xí cũng ghi lại điều đó.

Đề cập đến vấn đề này, học giả người Pháp Hippolyte Le Breton trong cuốn An – Tĩnh cổ lục (Le vieux An – Tĩnh) được Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản lần đầu vào năm 1936 đã viết những dòng, như sau:

“Nguyễn Xí được cấp lãnh địa cả miền duyên hải nằm giữa Cửa Lò và Cửa Hội (Hội Thống) ngày nay. Trong số các đầm phá này có Bàu Ó, cái bàu mà theo các sách Dư địa chí thì gọi là hồ nước biển. Dọc theo bờ Bàu Ó, Nguyễn Xí lập nên làng Bàu Ó mà đất đai thì do một đám tù binh người Tàu mà Nguyễn Xí bắt được trong các cuộc chiến tranh ở An-Tĩnh (1418-1428) khai khẩn. Trên những đầm phá khác, Nguyễn Xí lập ra rất nhiều làng. Đất đai mới nổi lên đều do những người Chăm khai khẩn. Những người này do Nguyễn Xí bắt được trong cuộc đánh nhau với nước Chăm Pa năm Thái Hòa thứ 3, đời Nhân Tôn, tức năm Ất Sửu (1445)”.(5)

Tương truyền Làng Long Trảo (Móng Rồng), xưa thuộc làng Khánh Duệ, (nay thuộc xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc), là nơi được Nguyễn Xí chọn làm địa điểm tổ chức lễ mừng công sau ngày đất nước đại định. Lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 01 tháng Hai âm lịch. Hàng năm đến ngày này, quan khách và con cháu khắp mọi miền đất nước kéo về đây dự lễ. Để có hàng hóa phục vụ lễ hội, Nguyễn Xí đã cho cưới chợ Sơn và giao làng thu thuế chợ nộp cho họ Nguyễn Đình mỗi năm 6 quan để góp vào việc tổ chức lễ hội mừng công. Chợ Sơn ra đời từ đó, mà người có công cưới chợ là Cương quốc công Nguyễn Xí.

Về sau, vào ngày 16 tháng 6 âm lịch hàng năm, tại chợ Sơn, dòng họ Nguyễn còn tổ chức tiểu lễ (lễ nhỏ) để tri ân những người có công với nhà Lê, với Nguyễn Xí, nhưng chưa được ban thưởng mà đã chết. Tại lễ này, Nguyễn Xí hoặc con cháu thay mặt Ngài tạ lỗi với những oan hồn đã bỏ xác trong các cuộc binh đao…Việc làm này, nói theo ngôn ngữ hiện đại thì đó là sự biểu hiện của tình cảm “uống nước, nhớ nguồn“ – tấm lòng nhân văn cao cả của Cương quốc công Nguyễn Xí và gia tộc Nguyễn Đình.

Nguyễn Xí có 15 người con trai, 8 người con gái. Tất cả 15 người con trai đã noi gương thân phụ, đều hết lòng trung quân, ái quốc; trong 15 người thì có 7 người giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình và 8 người điều khiển chỉ huy 8 đạo quân trấn thủ các vùng xung yếu của nước Đại Việt. Nhiều người trong số họ đã được phong tước Hầu, hoặc Quận công; có người được phong làm Quốc công. Còn 8 người con gái đều lấy chồng thuộc các gia đình quí tộc. Quá trình khai thác và sử dụng ruộng đất của con cháu Nguyễn Xí cũng góp phần mở mang kinh tế và hình thành nên nhiều làng xã trên địa bàn nước ta.

Thần phả đền Vạn Lộc cũng cho biết: Thái úy Nguyễn Sư Hồi – con trai cả của Cương quốc công Nguyễn Xí là người có công đầu trong việc mở mang đất đai, tạo cơ sở ban đầu cho việc hình thành làng Vạn Lộc – tiền thân của phường Nghi Tân, (thuộc thị xã Cửa Lò) ngày nay. Con đê đá dài ngót 5 cây số, cao hàng mét, chạy từ núi Tượng Sơn (núi Voi) vòng đến phía Đông Bắc núi Mũi Gươm, theo dọc bờ Đông Nam sông Cấm ra đến sát biển Cửa Lò hiện nay là dấu tích công cuộc kinh dinh của Nguyễn Sư Hồi ở thế kỷ thứ XV.

Tương truyền: Chợ Lò của làng Vạn Lộc cũng được hình thành từ khi có làng Vạn Lộc. Đến thế kỷ thứ XIX đã trở thành một trong số 10 chợ lớn của huyện Chân Lộc(6).

Đền thờ Nguyễn Sư Hồi trên địa bàn phường Nghi Tân vẫn trường tồn đến tận ngày nay cùng đôi câu đối ca ngợi công đức của Người “một thuở mang gươm đi mở cõi”:

“Dẹp giặc, yên dân, nghĩa khí ngàn năm ghi nhớ,

Khai cơ, lập nghiệp, công ơn muôn thuở lưu truyền.”

Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, dọc sông Mai Giang đến núi Tùng Lĩnh có một giải đất với diện tích trên 5 mẫu, dân địa phương gọi là cánh đồng Dần. Truyền rằng do Ngọc Linh Vệ quản lệnh Nguyễn Đình Dần (con thứ 13 của Cương quốc công Nguyễn Xí) khai phá từ thế kỷ thứ XV(7).

Có thể dẫn ra nhiều ví dụ nữa cho thấy lộc điền và các loại đất ruộng của Nguyễn Xí và dòng họ Nguyễn Đình đã tạo những tiền đề vật chất cho việc hình thành nên nhiều làng xã trên địa bàn Nghệ An, góp phần quan trọng vào việc mở mang kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đưa Nghệ An từ vùng đất trại, từng bước hòa nhập vào sự phát triển chung của quốc gia Đại Việt.

Tài liệu tham khảo:

(1) Lê Quí Đôn Toàn tập, tập III (Đại Việt Thông sử) Nxb KHXH, H.1978, tr.181.

(2) Đỗ Danh Gia, Luận án tốt nghiệp khoa Sử, K11, Hà Nội, 1976.

(3) Di huấn của Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí.

(4) Lịch sử Nghệ – Tĩnh, Tập I, Nxb Nghệ Tĩnh, 1984, tr.181.

(5) Hippolyte Le Breton, An – Tĩnh cổ lục (Le vieux An – Tĩnh), Nxb Nghệ An, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2005; tr.99.

(6) Nguyễn Quang Hồng, Thành phố Vinh – quá trình hình thành và phát triển, tr.24.

(7) Hoàng Anh Tài, Quỳnh Xuân xưa và nay

Nguồn: Tập san KHXH &NV Nghệ An

Hồi ký tháng 3 : Giác ngộ


Những bản nhạc đêm nay đã giúp tôi nhớ lại từng giai đoạn của cuộc đời Bà ngoại, Bà nội, Cha tôi, Mẹ tôi, Chú tôi, Cậu của tôi, các anh tôi và tôi.

Lạ kỳ vì nó là nhận thức của tôi về Phật giáo. Là tiềm thức xa xăm của tôi về cõi người, về thiên nhiên. Thuyết 5 cõi giới, đạo hạnh và Niết bàn.

Từng bản nhạc có giai điệu vô thường và có phối khí âm thanh thiên nhiên, âm thanh của gió rít gào, tiếng đại bàng, tiếng chim bồ câu vỗ cánh, tiếng Chuông nhà thờ, tiếng chuông chùa, tiếng sóng vỗ của biển cả…

Bà ngoại của tôi:

2h sáng, mọi thứ nhẹ nhàng trong tiếng nhạc, không gian tĩnh nặng, tôi nhắm mắt và nghe lại tiếng bà ngoại nói như từ trên cao xuống “Bà đi đây” và rồi tôi mường tượng thẫy Cỗ xe thiên lý và trên xe là các vị Thiên sứ với những bộ quần áo đẹp đang tiếp dẫn bà ngoại tôi lên cỗ xe và bay về Cung trời ở cõi Chư Thiên.

Về sau này, khi đọc Kinh phật và thỉnh kinh với các vị Tỳ khoe tôi mới biết rõ hơn về Cõi trời có 3 nơi:

– “Chư thiên” là tầng trời cao nhất cho những người có đức khổ hạnh, yêu thương con cháu, hy sinh vì mọi người với những đức tính cao quý nhất.

– “Sử thiên” là tầng trời thấp hơn cho những người có đức hiếu sinh, đáp lễ nghi do được giác ngộ tính phật, làm nhiều điều thiện, tu tập sửa mình diệt tội, sám hối.

– “Phạm thiên” là tầng trời thấp nhất cho người có giác ngộ phật pháp xong hơi muộn màng, mang tội với trời, vẫn có đức hiếu sinh mong được hưởng phúc ở cõi trời, tâm thì vẫn muốn ở cõi người.

Đoạn viết trên nói về ngày bà ngoại tôi đi xa, tôi nằm mê mệt trong 30 phút chiều hè, và bàng hoàng khi mơ thấy điều này. Sau 5 phút tỉnh lại thì anh trai tôi gọi điện báo bà vừa mất.

Sau này, tôi nằm mơ về cuộc đời thủa ấu thơ và những kỷ niệm sống với Bà ngoại tôi đều không bao giờ hình dung được rõ ràng khuôn mặt bà, (sau này Cha tôi cũng vậy, mặc dù tôi yêu quý bà cũng như Cha tôi vô cùng, mặc dù tôi luôn mang bên mình ảnh của Cha tôi).

Thời gian gần đây, tôi có dịp đọc các bài viết và sách của phái Mật tông và Tây tạng Lạt-ma kinh, những triết lý nghiên cứu sâu sắc về “Cánh cửa Sống – Chết hay Sinh –Tử”, Thân trung ấm, Cận tử nghiệp…

Tôi mới tự ngẫm rằng: vậy là Bà tôi đã không vãng sinh ở cõi người, mà vì bà là con người đạo hạnh đức độ và bà sứng đáng ở cõi Chư thiên, cõi trời cao và vì vậy tôi không mơ thấy bà, điều này tôi cũng thấy ở Ông ngoại tôi và Cha tôi sau này.

( * ) Hơn 5 năm nghiên cứu và sưu tầm, đọc, tra cứu và cầu kinh niệm phật tôi đều thấy đúng vấn đề triết lý Sống – chết trong Kinh địa Tạng Bồ tát, Kinh sám hối, Kinh từ bi, Kinh phổ môn, Bát nhã, Kinh Vu Lan báo hiếu, 48 đại nguyện và rất nhiều bài viết của các a tăng, tỳ khoe biện luận về các tu tập, trải nghiệm theo lời dậy của Đức Phật.

(* *) Ở Việt Nam tôi còn thấy có thể chứng minh bằng cách gặp gỡ các vị “NHÀ NGOẠI CẢM” để xem và trải nghiệm “tử vi tướng số” hoặc xem được “Cảnh giới” để tiếp xúc lại với những người đã mất, sẽ giúp ta nhận định được thế giới quan hay gọi là Cõi mà họ đang ở là đâu.

(Còn tiếp).